Nhà vệ sinh công cộng: cách biến không thành có, ít thành nhiều
Vệ sinh là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, hàng giờ của mỗi chúng ta. Ở đô thị lượng người lưu thông lớn, du khách đông, cần có hệ thống nhiều nhà vệ sinh công cộng rộng khắp để phục vụ nhân dân và du khách.
Từ thực trạng bế tắc
Theo số liệu thống của nhiều địa phương trên cả nước, thực trạng nhà vệ sinh công cộng hiện nay có số lượng quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được 1/3 nhu cầu, chất lượng thì hầu hết chưa đảm bảo, xuống cấp, gây ô nhiễm,… có thu phí nhưng vẫn không bù được phần chi. Ngoài ra, có một bộ phận dân cư thiếu ý thức cộng đồng đã gây ra nhiều phản cảm mà các phương tiện truyền thông đã phản ánh khá nhiều trong thời gian gần đây như tiểu bậy, xả rác, ,…từ tỉnh xa cho đến tận thủ đô.
Những giải pháp nở hoa
Nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa – văn minh đô thị, phát triển nhanh số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng trên cơ sở huy động nguồn lực sẵn có trong nhân dân, các địa phương cần nhanh chóng vận dụng, ban hành các chính sách liên quan để đẩy mạnh 3 phương thức xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí người dân.
Phương thức đầu tiên, đó là tại các nơi có đất công cộng như công viên, khu vui chơi, bãi tắm,…chính quyền giao cho các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư nhà vệ sinh cao cấp để phục vụ nhân dân, và doanh nghiệp được quyền quảng bá thương hiệu của mình tại đây. Nếu doanh nghiệp là ngân hàng, thì chính quyền có thể cho phép họ kết hợp xây dựng trụ ATM, … Phương thức này Sacombank đã thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và vài địa phương khác trong những năm qua.
Phương thức thứ hai, đó là vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng xăng dầu,… treo bảng hiệu cho du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh sẵn có của đơn vị mình. Cách này Hiệp hội doanh nhân quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã triển khai từ năm 2015, đến nay đã có gần 80 đơn vị kinh doanh tham gia.
Phương thức thứ ba, chính quyền địa phương quy hoạch mạng lưới nhà vệ sinh công cộng hợp lý và thông báo, kêu gọi người dân trong khu vực dự án tham gia cải tạo hoặc xây mới nhà vệ sinh để sử dụng làm nhà vệ sinh công cộng. Đối với phương thức này, người dân tự đầu tư, quản lý và phục vụ, còn nhà nước kiểm tra việc thực hiện và trả một phần chi phí vận hành phù hợp cho người tham gia dự án (mức chi phí tùy theo hạng sao, diện tích và nguồn tài chính của từng địa phương).
Ngoài ra, có thể nghiên cứu để gắn hạng sao cho các loại nhà vệ sinh công cộng nêu trên dựa vào các quy định hiện hành, các tiêu chí tương tự như khách sạn và phòng vệ sinh trong khách sạn, tiêu chuẩn về trang thiết bị, thẩm mỹ, diện tích, số lượng phòng vệ sinh, chất lượng vệ sinh, … để làm tăng giá trị của hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Hình thức gắn sao nhà vệ sinh công cộng đã được áp dụng tại Bru-nây từ năm 2012.
Thực hiện các phương án trên, tất cả các bên tham gia đều có lợi. Doanh nhân thể hiện được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng và quảng bá được thương hiệu của mình; người dân tham gia hoặc đầu tư dự án thể hiện được tình yêu với thành phố thân yêu và có được một ít chi phí vận hành hàng tháng, chính quyền tiết kiệm được nguồn ngân sách đầu tư và nhân dân thì có nhiều nhà vệ sinh công cộng đẹp, thuận lợi, khang trang để sử dụng miễn phí. Việc xây dựng được hệ thống nhà vệ sinh công cộng nêu trên sẽ góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh đô thị..
Nhật Duy
Chưa có bình luận